QBU - Quality - Betters - Us

Giới thiệu

LỊCH SỬ

PHÒNG THANH TRA – ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC

Chất lượng giáo dục đại học luôn là mối quan tâm hàng đầu của các trường đại học và toàn xã hội. Trong tiến trình phát triển, trường Đại học Quảng Bình đặc biệt coi trọng việc đảm bảo và không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục. Nhằm thực hiện mục tiêu chất lượng và trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nhà trường đã xúc tiến thành lập bộ phận kiểm định và kiểm soát chất lượng giáo dục.

Sau khi trường Đại học Quảng Bình được thành lập, trên cơ sở phòng Thanh tra – Khảo thí, Nhà trường thành lập Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục theo Quyết định số 1326/QĐ-ĐHQB ngày 19 tháng 12 năm 2007. Lúc mới thành lập đội ngũ của phòng gồm có 5 người: 03 thạc sĩ và 02 cử nhân.

Năm 2011, phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục đổi tên thành phòng Đảm bảo chất lượng giáo dục theo Quyết định số 564/QĐ-ĐHQB ngày 04 tháng 5 năm 2011 của Hiệu trưởng Trường Đại học Quảng Bình. Chức năng, nhiệm vụ của Phòng lúc này tập trung tham mưu cho Hiệu trưởng trong công tác đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo.

Năm 2015, Phòng Thanh tra – Đảm bảo chất lượng giáo dục được thành lập trên cơ sở sáp nhập Ban Thanh tra giáo dục với Phòng Đảm bảo chất lượng giáo dục theo Quyết định số 476/QĐ-ĐHQB ngày 07 tháng 04 năm 2015 của Hiệu trưởng trường Đại học Quảng Bình.

Tháng 12 năm 2016, Phòng Thanh tra – Đảm bảo chất lượng giáo dục được chia tách, thành lập thành 02 đơn vị: Phòng Thanh tra – Pháp chế, Phòng Đảm bảo chất lượng giáo dục.

Tháng 02 năm 2022, Phòng Thanh tra – Đảm bảo chất lượng giáo dục được thành lập trên sơ sở sáp nhập Phòng Thanh tra – Pháp chế, Phòng Đảm bảo chất lượng giáo dục theo Quyết định 487/QĐ-UBND ngày 23 tháng 02 năm 2022 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình.

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ

CHỨC NĂNG

Tham mưu, giúp Hiệu trưởng thực hiện công tác quản lý và triển khai các hoạt động về công tác thanh tra nội bộ; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; phòng, chống tham nhũng; công tác đảm bảo chất lượng, công khai chất lượng giáo dục; công tác đề thi; quản lý tem, phôi, in sao văn bằng, chứng chỉ do Trường Đại học Quảng Bình cấp.

NHIỆM VỤ

  1. Công tác thanh tra

– Xây dựng các văn bản quản lý công tác thanh tra. Lập kế hoạch thanh tra nội bộ theo quý, năm, định kỳ, đột xuất và tổ chức thực hiện kế hoạch đó theo quy định của pháp luật và nội quy, quy định, quy chế nội bộ của Trường; tổ chức thanh tra các kỳ thi, xét tuyển sinh, xét tốt nghiệp theo quy định;

– Thanh tra việc thực hiện pháp luật, nhiệm vụ được giao đối với tổ chức, đơn vị và cá nhân thuộc Trường theo đúng thẩm quyền được giao;

– Kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung các chính sách và quy định của Nhà nước về giáo dục, đào tạo, của Nhà trường khi phát hiện các bất cập trong công tác quản lý;

– Làm đầu mối giúp Hiệu trưởng phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan về công tác thanh tra; báo cáo, tổng kết kinh nghiệm về công tác thanh tra của Trường theo yêu cầu của Hiệu trưởng và Thanh tra cấp trên.

  1. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh

– Bố trí viên chức thường trực tiếp công dân tại địa điểm tiếp công dân của Trường;

– Thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết hoặc kiến nghị giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong Nhà trường theo quy định của pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo.

– Tập hợp và phân loại các tài liệu, đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của các đơn vị, cá nhân trong và ngoài Trường chuyển đến cơ quan, đơn vị có thẩm quyền thụ lý giải quyết.

  1. Công tác phòng, chống tham nhũng

– Giúp Hiệu trưởng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng;

– Báo cáo, tổng kết kinh nghiệm về công tác phòng, chống tham nhũng của Trường theo yêu cầu của Hiệu trưởng và cơ quan có thẩm quyền.

  1. Công tác đảm bảo chất lượng giáo dục

– Xây dựng các văn bản quản lý công tác đảm bảo chất lượng giáo dục. Thường trực Hội đồng kiểm định chất lượng và điều phối hoạt động chung về kiểm định chất lượng. Tổ chức triển khai công tác kiểm định chất lượng trong toàn Trường và hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác kiểm định chất lượng tại các đơn vị thuộc Trường;

– Giúp việc cho Hội đồng tự đánh giá của Nhà trường; làm đầu mối tham mưu, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác tự đánh giá, tự đảm bảo chất lượng, cập nhật cơ sở dữ liệu kiểm định chất lượng giáo dục hàng năm; tham gia đánh giá ngoài theo các tiêu chuẩn về kiểm định chất lượng do Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu;

– Triển khai các giải pháp toàn diện để đảm bảo chất lượng đào tạo; nghiên cứu phát triển chương trình, phương pháp giảng dạy, phương pháp học tập, kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo; tổ chức đánh giá chất lượng giảng dạy của giảng viên, chất lượng quản lý của viên chức quản lý thuộc diện Lãnh đạo Trường quản lý; tổ chức đánh giá kết quả đầu ra, chất lượng đào tạo và các yếu tố đảm bảo chất lượng giáo dục; căn cứ kết quả đánh giá, khảo sát lập kế hoạch cải thiện chất lượng;

– Tổ chức xây dựng đề thi và ngân hàng đề thi theo chuẩn đầu ra, đề xuất cải tiến và phát triển các phương pháp thi, kiểm tra phù hợp với yêu cầu đào tạo của các ngành, các hệ đào tạo nhằm nâng cao hiệu quả đánh giá cũng như chất lượng đào tạo; tham gia tư vấn nghiệp vụ về quy trình, phương pháp đảm bảo chất lượng đào tạo, thi, kiểm tra, đánh giá cho khoa. Nghiên cứu ứng dụng các trang thiết bị, công nghệ thông tin vào việc soạn thảo đề thi, chấm thi và đánh giá kết quả thi. Thẩm định tính chính xác của việc chấm bài thi, tổ chức thẩm định ngẫu nhiên kết quả chấm bài các môn học của giảng viên;

– Phối hợp với Phòng Đào tạo phổ biến, hướng dẫn các khoa, bộ môn thực hiện đúng quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các quy định của Nhà trường về công tác thi, kiểm tra, đánh giá;

– Tổ chức đánh giá chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; thẩm định chương trình đào tạo, chương trình chi tiết, phù hợp với từng ngành học, môn học;

– Phối hợp với các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước tổ chức các hoạt động đảm bảo chất lượng thuộc chức năng, nhiệm vụ của đơn vị. Làm đầu mối của Trường về công tác đảm bảo chất lượng với các đối tác trong và ngoài nước.

  1. Công tác ba công khai chất lượng giáo dục

– Thực hiện công tác ba công khai theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, công tác công khai của Nhà trường;

– Công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, kết quả đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục của Nhà trường trên Trang thông tin điện tử tổng hợp của Trường và trên các phương tiện thông tin khác theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo về công tác đảm bảo chất lượng giáo dục theo yêu cầu.

  1. Công tác đề thi

– Quản lý ngân hàng đề thi cho từng môn học trong toàn Trường;

– In sao đề thi, đáp án đề thi kết thúc học phần các hệ chính quy; liên thông vừa làm, vừa học; văn bằng 2 theo kế hoạch thi và quy định của Nhà trường.

  1. Công tác quản lý tem, phôi, in sao văn bằng, chứng chỉ

Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về công tác quản lý tem, phôi, in sao văn bằng, chứng chỉ quy định tại Quy chế Quản lý văn bằng, chứng chỉ của Trường Đại học Quảng Bình và quy định về văn bằng, chứng chỉ do Bộ Giáo dục và Đào tạo và cơ quan có thẩm quyền ban hành.

  1. Công tác khác

– Xây dựng kế hoạch phát triển, sử dụng đội ngũ viên chức của đơn vị; quản lý viên chức, người lao động trong đơn vị theo phân cấp của Hiệu trưởng;

– Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác giáo dục chính trị, đạo đức, lối sống cho viên chức, người lao động; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho viên chức của đơn vị;

– Tổ chức đánh giá, xếp loại và xét bình bầu thi đua đối với viên chức quản lý, viên chức, người lao động trong đơn vị và tham gia góp ý, nhận xét viên chức quản lý trong Trường theo quy định của Nhà trường;

– Quản lý cơ sở vật chất, trang thiết bị và tài sản của Nhà trường giao cho đơn vị đúng quy định;

– Thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan đến chức năng của đơn vị và do Hiệu trưởng phân công./.

 

LÃNH ĐẠO CỦA ĐƠN VỊ QUA CÁC THỜI KỲ


Thời kỳ
Lãnh đạo đơn vị Chức vụ
2007 – 2012 ThS. Lê Thị Thu Hà Trưởng phòng
2012 – 2014 TS. Trần Thị Sáu Trưởng phòng
2014 – 2016 TS. Trần Đức Hiền Trưởng phòng
2016- 2018 TS. Dương Thị Ánh Tuyết Trưởng phòng
2018 – 2020 TS. Trương Thị Tư Trưởng phòng
2020 – 2021 ThS. Trần Công Trung P. Trưởng phòng (phụ trách)
2021 – Nay ThS. Nguyễn Đại Thăng Trưởng phòng

 

THÀNH TÍCH

  1. Danh hiệu thi đua
Năm học Danh hiệu Quyết định
2012 – 2013 Tập thể Lao động xuất sắc Quyết định số 2138/QĐ-UBND ngày 06/9/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình
2014 – 2015 Tập thể Lao động xuất sắc Quyết định số 2342/QĐ-UBND ngày 24/8/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình
2016 – 2017 Tập thể Lao động xuất sắc Quyết định số 3217/QĐ-UBND ngày 13/9/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình
2017 – 2018 Tập thể Lao động xuất sắc Quyết định số số 2724/QĐ-UBND ngày 17/8/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình
2018 – 2019 Tập thể Lao động xuất sắc Quyết định số số 3207/QĐ-UBND ngày 22/8/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình
2020 – 2021 Tập thể Lao động xuất sắc Quyết định số số 2253/QĐ-UBND ngày 20/7/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình
  1. Khen thưởng
Năm Hình thức Quyết định
2017 Bằng khen Quyết định số 473/QĐ-LĐLĐ ngày 25/12/2017 của Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Bình
2018 Bằng khen Quyết định số 2724/QĐ-UBND ngày 17/8/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình
2020 Bằng khen Quyết định số 703/QĐ-UBND ngày 11/3/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình

 

Lịch sử của trường

Trường Đại học Quảng Bình được thành lập theo Quyết định số 237/QĐ-TTg ngày 24/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở Trường CĐSP Quảng Bình mà tiền thân là Trường Trung cấp Sư phạm Quảng Bình được thành lập từ năm 1959. 

Đây là trường đại học duy nhất của tỉnh Quảng Bình, đào tạo đa ngành, đa cấp, đa lĩnh vực. Với hơn nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, Trường Đại học Quảng Bình đã trải qua 7 giai đoạn.

SỨ MẠNG

Trường Đại học Quảng Bình là trường đại học công lập, có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; thực hiện nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Quảng Bình và cả nước.

TẦM NHÌN

Trường Đại học Quảng Bình phát triển theo định hướng ứng dụng. Phấn đấu trở thành trường đại học có uy tín trong cả nước và khu vực; là trung tâm hàng đầu về đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao và chuyển giao các ứng dụng khoa học công nghệ của vùng Bắc Trung Bộ.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI

Chất lượng, hiệu quả và bền vững.
Thành tích của sinh viên sau khi tốt nghiệp là thước đo sự thành công của Nhà trường.

Giai đoạn 1959 - 1965

Đây là chặng đường đầu tiên với muôn vàn khó khăn, thử thách. Sau Hiệp định Giơnevơ 1954, hòa bình được lập lại ở miền Bắc. Cùng với việc khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế, hàn gắn viết thương chiến tranh, Đảng và Nhà nước chú trọng đẩy mạnh sự nghiệp văn hóa giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ. Ngày 22/7/1959 Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên ký Nghị định số 379/NĐ thành lập một số trường sư phạm, trong đó có trường Trung cấp Sư phạm Quảng Bình. Trường có nhiệm vụ đào tạo giáo viên cấp 2 về khoa học tự nhiên và xã hội phục vụ các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và khu vực Vĩnh Linh. Cơ sở đầu tiên của Trường đóng tại Tam Tòa (Đồng Hới). Ban đầu Trường có 3 tổ chuyên môn là tổ Tự nhiên, tổ Xã hội, tổ Bộ môn chung và 5 tổ hành chính là tổ Giáo vụ, tổ Hành chính – Quản trị, tổ Tài vụ, tổ Tổ chức và tổ Nhà ăn.

Ngày 27/10/1959, tại thị xã Đồng Hới, Trường đã tổ chức Lễ khai giảng khóa học đầu tiên. Từ năm 1959 đến 1965, Trường đã đào tạo được 3417 giáo viên, trong đó 1.151 giáo viên cấp 2 ; 2.266 giáo viên cấp 1, phục vụ cho Quảng Bình, Hà Tĩnh và Vĩnh Linh.

Giai đoạn 1965 – 1975

Thời kỳ này Trường trải qua những năm tháng chiến tranh vô cùng ác liệt, gian khổ nhưng cũng rất anh dũng, kiên cường; vừa giảng dạy, vừa phục vụ sản xuất và chiến đấu, đạt được nhiều kết quả rất đáng tự hào.

Do điều kiện chiến tranh, từ 1965 đến 1975, Trường đã phải 8 lần chuyển địa điểm, qua nhiều nơi, từ miền núi xuống đồng bằng, đủ các địa bàn Đông, Tây, Nam, Bắc của Quảng Bình. Tháng 1/1965, Trường chuyển về đóng tại xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, một vùng bán sơn địa ở phía Tây Nam Đồng Hới. Tháng 2/1965, Trường lại sơ tán về Văn Hóa, Tuyên Hóa, một xã miền núi bên bờ sông Gianh, ở Tây Bắc Quảng Bình. Tháng 8/1965 thầy và trò lại phải di chuyển đến Ngọn Rào (Bố Trạch), một thung lũng cách Đường 15 theo đường chim bay chưa đầy 15 km, nơi thường xuyên bị máy bay địch oanh tạc. Một năm sau, tháng 10/1966, Trường chia làm 2: Sư phạm sơ cấp chuyển về thôn Cây Lim thuộc xã Lâm Trạch (Bố Trạch); Sư phạm trung cấp chuyển về xã Quảng Tân (Quảng Trạch). Tháng 6/1967 Trường lại sơ tán đến Cao Mại, một xã rẻo cao ở huyện Tuyên Hóa.

Tháng 11/1968 đế quốc Mỹ ngừng ném bom miền Bắc. Tỉnh có chủ trương chuyển Trường về đồng bằng để vừa học vừa sản xuất. Tháng 8/1970 Trường chuyển về xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy. Nhưng kế hoạch sản xuất (trồng cói lác) không khả thi nên UBND tỉnh lại chuyển Trường về Phú Định, một vùng đồi ở miền Tây Bố Trạch. Đầu năm học 1974-1975, Trường chuyển về Zét, ở phía tây Đồng Hới, sát trung tâm hành chính của Tỉnh lúc bây giờ là Cộn, kết thúc cuộc trường chinh 10 năm khói lửa của thầy và trò trường Trung cấp sư phạm Quảng Bình.

Trong 10 năm chiến tranh gian khổ, thầy và trò đã vượt qua muôn vàn khó khăn, hy sinh, mất mát, đào tạo được 2.263 giáo viên và bồi dưỡng hàng trăm giáo viên các bậc học mầm non, cấp 1 và cấp 2, đảm bảo an toàn phòng không, tích cực phục vụ chiến đấu và lao động sản xuất. Trường Trung cấp Sư phạm Quảng Bình là 1 trong 9 trường sư phạm trên toàn miền Bắc được công nhận là trường tiên tiến xuất sắc của ngành giáo dục; được Nhà nước tặng Huân chương chiến công hạng 3, huân chương kháng chiến hạng 3; được Bộ Giáo dục và UBND Tỉnh tặng cờ thi đua và nhiều bằng khen, giấy khen.

Năm 1970, Tỉnh quyết định nhập 4 trường: Trường Sư phạm trung cấp, Trường Sư phạm sơ cấp, Trường Sư phạm Mẫu giáo, Trường Sư phạm Bồi dưỡng thành Trường Sư phạm Quảng Bình. Cuối năm học 1973-1974, Trường Sư phạm Quảng Bình lại tách làm 3 trường: Trường Sư phạm cấp 1; Trường Sư phạm 10+3 và Trường Sư phạm mẫu giáo.

Giai đoạn 1975-1979

Sau chiến tranh, đất nước bộn bề khó khăn, thiếu thốn, nhưng với truyền thống anh hùng và nhiệt tình cách mạng, Trường Sư phạm 10+3 đã không ngừng phát triển về số lượng, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Giai đoạn này được đánh giá là thời kỳ phát triển sôi động nhất của Trường Sư phạm 10+3 Quảng Bình.

Năm 1976 ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế sáp nhập thành tỉnh Bình Trị Thiên, Trường Sư phạm 10+3 Quảng Bình có thêm nhiệm vụ đào tạo giáo viên tăng cường cho vùng mới giải phóng ở Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Thời kỳ này Trường chuyển về phía Tây Cộn, trên một khu đất rộng rãi với cơ sở vật chất để lại của một số cơ quan cấp tỉnh đã chuyển vào Huế. Từ 1976-1979, Trường đã đào tạo được 2.479 giáo viên cấp 2 hệ 10+3, chi viện cho vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, kịp thời đáp ứng nhu cầu giáo dục của cả tỉnh. Cũng thời gian này, Trường đã quan tâm chuẩn hóa đội ngũ, động viên một số giáo viên đi học sau đại học khóa đầu tiên tại Hà Nội.

Sau gần 20 năm xây dựng và phát triển, ngày 21/8/1978, Chính phủ quyết định nâng cấp Trường Sư phạm 10+3 Quảng Bình thành Trường Cao đẳng Sư phạm. Đây là thành quả của sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của thầy và trò, là mốc quan trọng trong lịch sử Nhà trường. Ngày 20/3/1979, Nhà trường vinh dự được Chủ tịch nước quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3.